Mô hình chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học (atsh) một hướng đi hiệu qủa DKD Biên tập theo bài viết của : Lê Đình Huấn Trước tình hình dịch cúm gia cầm có nguy cơ lan rộng và không kiểm soát nổi có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sinh mạng con người. Làm sao vừa chủ động chăn nuôi có hiệu qủa vừa đảm bảo vệ sinh môi trường và có sản phẩm sạch cung cấp cho người tiêu dùng, không để bệnh tật xuất hiện và lây lan đang là vấn đề bức xúc hiện nay của ngành chăn nuôi trong tỉnh cũng như cả nước. triển khai mô hình chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học (ATSH ) nhằm xây dựng quy trình chăn nuôi gà thả vườn theo hướng sạch từ khâu con giống đến qúa trình chăn nuôi, vệ sinh thú y, vệ sinh giết mổ, thực hiện tốt chương trình vaccine và hạn chế dùng thuốc kháng sinh để giảm thiểu bệnh tật và không gây ô nhiễm môi trường. Mô hình đã đạt được kết quả đáng khả quan: Đàn gà phát triển tốt, không có biểu hiện bệnh tật, các chỉ tiêu KTKT đều đạt so với yêu cầu, vệ sinh môi trường được bảo đảm, hiệu quả kinh tế cao, được nông dân chăn nuôi nhiệt tình ủng hộ. Tổng số gà nuôi 30.000 con với 10 hộ nuôi, quy mô 1000-5000 con/hộ, tập trung ở các thôn Luống Đồng, Quảng Hợp, Tân Thịnh yêu cầu đặt ra là phải chăn nuôi theo phương thức nuôi nhốt tập trung cách biệt nhà ở. Quy trình chăn nuôi được áp dụng quy trình chăn nuôi hiện hành do Bộ NN& PTNT ban hành. Gà giống được nhập về từ những cơ sở chăn nuôi có đủ điều kiện sản xuất con giống và phải được chích ngừa váccine các loại có sự kiểm tra và cấp giấy chứng nhận của cơ quan thú y. Thời gian úm 0-4 tuần nuôi tập trung, sau 5 tuần tuổi các hộ thả cho gà vận động nhưng chỉ trong khuôn viên hạn chế ngay sát chuồng nuôi, không áp dụng phương thức nuôi thả tự do, phân tán. Vấn đề an toàn sinh học: Hàng tuần chuồng nuôi và môi trường xung quanh được xịt sát trùng toàn bộ 1 lần bằng thuốc sát trùng có kháng khuẩn rộng để diệt vi khuẩn gây bệnh. Phun toàn bộ chuồng nuôi, trên gà (trừ máng ăn, máng uống) và chu vi xung quanh chuồng 10 – 15m. Phân gà được thu dọn thường xuyên và ủ vôi 3 tháng sau mới sử dụng cho cây trồng. Gà chết được kiểm tra, mổ khám sau đó chôn sâu có rải vôi đúng quy định của cơ quan thú y. Hạn chế người, chim chuột đến gần khu chăn nuôi gà. Chương trình váccine được thực hiện nghiêm ngặt, dùng váccine H5N1 lúc 1 ngày tuổi, sau đó dùng váccine Laxotat 2 lần, Gumboro 3 lần, đậu gà 1 lần, IB 1 lần. Hạn chế việc dùng kháng sinh, chỉ dùng khi có sự bất khả kháng và trong thời gian ngắn. Khi được 10 tuần tuổi đàn gà có tỷ lệ nuôi sống 93 –95%, đạt trọng lượng bình quân đạt 1,8-2,0 kg/con, tiêu tốn thức ăn/kg tăng trọng 2,8-2,9 kg/kg P, lúc này các nông hộ chăn nuôi bắt đầu xuất bán. Trong quá trình nuôi hầu hết các hộ nhận nuôi đã chăm sóc và nuôi dưỡng tốt đàn gà, không có biểu hiện bệnh nặng hoặc dịch bệnh phát sinh. Một số bệnh chủ yếu thường gặp do thời tiết thay đổi, bệnh cầu trùng nhưng ở thể nhẹ và được phát hiện và điều trị kịp thời nên không gây ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ nuôi sống, không có bệnh truyền nhiễm xảy ra. Hiệu quả mô hình tốt, bình quân mỗi hộ nuôi 1000on sau 4 tháng thu lợi khoảng 20 triệu đồng (giá gà 60.000 đ/kg). Mô hình chăn nuôi gà thả vườn ATSH đã mang lại hiệu qủa kinh tế cao cho nông dân chăn nuôi. Nhiều hộ nông dân tham quan học tập đã tự chủ động mua giống về nuôi không cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Thông qua mô hình bước đầu người nông dân đã tiếp cận được quy trình nuôi theo hướng ATSH, có được cái nhìn khác hơn về việc chăn nuôi theo hướng bảo vệ môi trường, được trao đổi học hỏi kinh nghiệm và tiếp thu kỹ thuật mới để có thể tự áp dụng chăn nuôi trên quy mô rộng. Hy vọng đây là hướng đi mới, có hiệu qủa không những có thể áp dụng cho một số nông hộ mà có thể áp dụng rộng rãi cho người nông dân chăn nuôi toàn tỉnh trong điều kiện dịch bệnh ngày càng phức tạp và nguy hiểm như hiện nay. |