báo cáo nông thôn moi
BCĐ XÂY DỰNG NTM CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
XÃ HÓA QUỲ Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Số: 116 /BC - UBND Hóa Quỳ, ngày 6 tháng 11 năm 2017
BÁO CÁO
Kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới năm 2017
của xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa
I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH CHUNG.
1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của xã:
Hóa Quỳ là xã miền núi nằm ở phía Tây Nam của huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá, cách trung tâm huyện 5 km. Phía Bắc giáp xã Cát Tân, Yên Lễ. Phía Nam giáp xã Xuân Quỳ, Xuân Hòa. Phía Đông giáp xã Bình Lương. Phía Tây giáp xã Cát Vân, Xuân Quỳ.
Xã Hóa Quỳ gồm 13 thôn, với tổng diện tích đất tự nhiên là 2654,9 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 1504,38 ha chiểm 56,7% ; Dân số toàn xã có 1.253 hộ, với 5372 khẩu, thuộc 4 dân tộc: Thái, Thổ, Mường, Kinh, số người trong độ tuổi lao động là 3476 lao động, chiếm 63,5% dân số
Ngành nghề chính của địa phương là sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và kinh doanh, buôn bán… Tốc độ gia tăng giá trị sản xuất đạt 17%. Bình quân lương thực đầu người đạt 363 kg/người/năm. Tổng giá trị thu nhập đạt: 120,099 tỷ đồng (năm 2016). Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 26,97 triệu đồng (Thời điểm tính 01/7/2016 đến 30/6/2017)
2. Thuận lợi:
- Xã có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua có chiều dài 5 km, thuận lợi để phát triển các ngành nghề sản xuất vật liệu xây dựng, kinh doanh, thương mại, và dịch vụ.
- Xã có hệ thống giao thông, thủy lợi được quy hoạch đồng bộ, cơ bản đáp ứng được nhu cầu giao thông đi lại và hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất tạo điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp.
- Có sự đồng thuận, thống nhất cao trong Đảng bộ, chính quyền, đến các tổ chức chính trị xã hội và các tầng lớp nhân dân trong xã về thực hiện mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM.
- Hệ thống chính trị ổn định, an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, địa phương có truyền thống cách mạng, nhân dân cần cù sáng tạo trong lao động, sản xuất, thực hiện tốt nhiệm vụ Quốc phòng - An ninh.
- Có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thường trực Huyện uỷ - HĐND – UBND huyện; sự giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm của các phòng, ban cấp huyện và các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh do đó địa phương đã thực hiện tốt các mục tiêu mà Nghị Quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra.
3. Khó khăn:
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn xã, cũng gặp không ít khó khăn như:
Là xã miền núi địa bàn rộng hệ thống giao thông nông thôn nhiều, để hoàn thành tiêu chí giao thông cần có sự đầu tư lớn về nguồn kinh phí.
Kinh tế của xã chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp, cơ cấu kinh tế của xã chuyển dịch chậm, tốc độ tăng trưởng tuy đạt khá nhưng chưa bền vững, thu nhập của nhân dân còn thấp.
Một bộ phận nhân dân còn hạn chế về tiếp cận, áp dụng các tiến bộ Khoa học kỹ thuật vào sản xuất, làm giảm năng xuất lao động trong sản xuất Nông nghiệp.
II. KẾT QUẢ CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI.
1. Công tác chỉ đạo, điều hành:
Căn cứ vào hệ thống văn bản, chính sách thực hiện Chương trình xây dựng NTM của địa phương, sự lãnh, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM các cấp Ban thường vụ Đảng ủy xã đã chủ động chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng NTM theo các bước, trình tự cụ thể như ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM; thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng chương trình hành động cụ thể, phân công các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ, Ban chấp hành, các ngành, đoàn thể, cán bộ, công chức chuyên môn phụ trách và hướng dẫn, chỉ đạo các thôn tổ chức thực hiện. Xây dựng Đề án, kế hoạch từng năm và triển khai đến các đơn vị để thực hiện.
Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã đã cụ thể bằng kế hoạch hàng năm, kế hoạch giai đoạn và tổ chức thực hiện kế hoạch, lồng ghép các nguồn vốn, dự án hỗ trợ từ ngân sách cấp trên, kêu gọi sự đầu tư hỗ trợ của các doanh nghiệp để thực hiện các dự án, công trình kinh tế - xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, ngành nghề, dịch vụ... Đồng thời kêu gọi sự tham gia đóng góp của nhân dân, theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, công khai. Thường xuyên giao ban để nắm tình hình, tâm tư nguyện vọng, khó khăn của nhân dân để kịp thời có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Ban hành kế hoạch, phương án hỗ trợ.
Xác định rõ xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, cùng với những cơ chế chính sách của Trung ương, của tỉnh, huyện hỗ trợ xây dựng NTM, địa phương đã ban hành kế hoạch, phương án hỗ trợ kích cầu các thôn và nhân dân đầu tư xây dựng các hạng mục công trình theo yêu cầu tiêu chí NTM, như: Hỗ trợ phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại; xây dựng đường giao thông, thủy lợi nội đồng; hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn, hỗ trợ mua máy vò lúa, hỗ trợ cải tạo diện tích vườn tạp, hỗ trợ mua trâu, bò cái sinh sản đối với hộ nghèo, cận nghèo..
2. Công tác truyền thông, đào tạo, tập huấn:
2.1 Công tác truyền thông:
Nhận thức được vị trí, ý nghĩa của công tác tuyên truyền trong xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền đã định hướng cho các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các thôn, tổ chức tuyên truyền một cách sâu rộng, bằng nhiều hình thức nhằm chuyển tải mục đích, ý nghĩa của chương trình; từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong xây dựng NTM; làm cho từng người dân, cộng đồng dân cư nhận thức đầy đủ và sâu sắc, xác định rõ trách nhiệm, vai trò chủ thể trực tiếp thực hiện xây dựng NTM với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ”.
2.2. Công tác đào tạo, tập huấn:
Tổ chức cho đội ngũ cán bộ tham gia đầy đủ các lớp tập huấn do tỉnh và huyện tổ chức, đồng thời tổ chức quán triệt, triển khai đề án và công bố các quy hoạch được phê duyệt đến tất cả các cán bộ, nhân dân trong xã biết để tổ chức thực hiện.
Trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình, BCĐ xã, Ban phát triển thôn, căn cứ vào các văn bản hướng dẫn của trung ương, của tỉnh, của huyện và tình hình thực tế của địa phương để triển khai, phổ biến đến rộng rãi người dân trong thôn, xóm để tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung Chương trình.
3. Công tác phát triển sản xuất, ngành nghề, nâng cao thu nhập cho người dân:
3.1. Công tác phát triển sản xuất nông nghiệp:
Xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất các vùng như trồng mía, sắn, ngô, cao su, keo lai, rau trồng các loại năng suất, chất lượng, hiệu quả cao trên địa bàn toàn xã. Đưa các giống lúa lai có tiềm năng năng suất cao vào gieo trồng, thực hiện gieo trồng đúng lịch thời vụ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tổng sản lượng lương thực năm 2016 đạt 1945 tấn.
Thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp, đưa các giống cây trồng có năng suất, hiệu quả kinh tế cao như bưởi diễn, cam Vinh, ổi Đài Loan… vào sản xuất.
Ngoài ra, phát triển kinh tế trang trại, gia trại cũng mang lại thu nhập đáng kể cho nhân dân; trên địa bàn xã có nhiều trang trại chăn nuôi lợn, gà Công nghiệp với quy mô từ 500 con trở lên. Đã hình thành liên kết trong nông nghiệp, giữa nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông; khuyến khích đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; khuyến khích sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho người nông dân.
3.2. Công tác phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn:
Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân phát triển sản xuất, đa dạng hóa các loại ngành nghề, như: xây dựng, vận tải, cơ khí, nghề mộc, may mặc, xay xát, buôn bán... Đến tháng 7 năm 2017, trên địa bàn xã: có 1 doanh nghiệp lớn, 1 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, 135 hộ sản xuất kinh doanh dịch vụ; toàn xã có 24 xe ô tô các loại, 13 máy bừa, 8 máy vò, 2 máy ép gạch, 1 máy làm tinh bột nghệ.
Kết quả nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân:
Kết quả đẩy mạnh tổ chức sản xuất, khai thác hiệu quả các nguồn thu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý theo hướng, giảm tỷ trọng Nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, đã góp phần đưa tốc độ giá trị sản xuất bình quân của xã đạt 17%/năm. Năm 2017, cơ cấu kinh tế: Nông, lâm, thủy sản: 48%; Công nghiệp, xây dựng: 30%; Dịch vụ, thương mại: 22%; thu nhập đạt 26,97 triệu đồng/người; đời sống của nhân dân được cải thiện; hộ khá, hộ giàu ngày càng tăng, chiếm trên 50%; tỷ lệ hộ nghèo là 6,73%.
4. Kết quả huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới
Trong những năm qua xã đã khai thác có hiệu quả các nguồn thu trên địa bàn, vận động nhân dân đóng góp, kêu gọi con em Hóa Quỳ đang học tập và công tác trong và ngoài tỉnh ủng hộ cùng với ngân sách nhà nước hỗ trợ để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. Đến nay xã đã cơ bản hoàn thành các hạng mục công trình cơ bản, phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ dân sinh, như: xây dựng mới, nâng cấp nhà văn hóa, trung tâm thể thao xã, nhà bia tưởng niệm, xây mới phòng học, trạm y tế xã; cải tạo khuôn viên công sở, xây dựng, cải tạo 6,21 km đường giao thông nội đồng, 15,88 km đường liên xóm, ngõ xóm, xây mới 6 nhà văn hóa, chỉnh trang 7/13 nhà văn hóa thôn...
Tổng kinh phí đã thực hiện: 66.312 triệu đồng, trong đó:
- Ngân sách Trung ương 16.695 triệu đồng, chiếm 25,2 %;
- Ngân sách tỉnh 13.826 triệu đồng, chiếm 20,8 %;
- Ngân sách huyện 2.273 triệu đồng, chiếm 3,5 %;
- Ngân sách xã 1.000 triệu đồng, chiếm 1,5 %;
- Doanh nghiệp 1.535 triệu đồng, chiếm 2,3 %;
- Nhân dân đóng góp 30.983 triệu đồng, chiếm 46,7 %.
Trong đó:
+ Vốn đóng góp bằng ngày công lao động là: 5.125 triệu đồng = 16,5%.
+ Nhân dân tự đầu tư chỉnh trang và XD nhà ở: 20.979 triệu đồng = 67,7%.
+ Đóng góp XD các công trình phúc lợi, sản xuất: 4.869 triệu đồng = 15,7%.
III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC TIÊU CHÍ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI.
Tổng số tiêu chí xã tổ chức tự đánh giá đạt tiêu chuẩn nông thôn mới theo quy định là 19/19 tiêu chí, gồm: (1) Quy hoạch, (2) Giao thông, (3) Thuỷ lợi, (4) Điện, (5) Trường học, (6) Cơ sở vật chất văn hoá, (7) Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, (8) Thông tin và truyền thông, (9) Nhà ở dân cư, (10) Thu nhập, (11) Hộ nghèo, (12) Lao động có việc làm, (13) Tổ chức sản xuất, (14) Giáo dục và đào tạo, (15) Y tế, (16) Văn hoá, (17) Môi trường và an toàn thực phẩm, (18) Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, (19) Quốc phòng và an ninh.
(Có Biểu tổng hợp kết quả thực hiện các tiêu chí NTM của xã Hóa Quỳ kèm theo)
IV. ĐÁNH GIÁ CHUNG.
1. Những mặt đạt được.
Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, xã Hóa Quỳ đã chủ động triển khai tổ chức thực hiện với các giải pháp đồng bộ, bộ mặt của xã Hóa Quỳ đã có nhiều đổi mới; nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa của Chương trình xây dựng NTM được nâng lên rõ rệt, cơ sở hạ tầng nông thôn đã được xây dựng khang trang, người dân có ý thức hơn trong công tác bảo vệ môi trường; đã hình thành các mô hình sản xuất có hiệu quả, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nâng cao thu nhập cho người dân. Công tác xóa đói giảm nghèo, chính sách đền ơn đáp nghĩa được thực hiện tốt; công tác giáo dục đào tạo tiếp tục phát triển. Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới ngày càng được nhân dân hưởng ứng tích cực, cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; trật tự xã hội được đảm bảo, quy chế dân chủ được phát huy, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.
2. Bài học kinh nghiệm
Một là, Biết kế thừa và phát huy bài học kinh nghiệm thành công từ các chương trình mục tiêu quốc gia, và các phong trào quần chúng trước đây để vận dụng sáng tạo vào xây dựng nông thôn mới. Trong đó có bài học xuyên suốt đó là “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân góp, dân hưởng thụ”
Hai là, Biết tập trung quyết liệt, toàn diện các nội dung xây dựng NTM, đồng thời ưu tiên thực hiện các tiêu chí liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Từ đó khơi dậy và phát huy tốt vai trò chủ thể của dân; đây là nhân tố quyết định thành công Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.
Ba là, Đảng bộ xã đoàn kết, quyết tâm; lãnh đạo cấp trên quan tâm chỉ đạo, kiểm tra giúp đỡ, cán bộ gương mẫu trước nhân dân.
Bốn là, Xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, liên tục, tổng hòa nhiều mối quan hệ. Do đó, cần tăng cường đào tạo, tập huấn để có lực lượng cán bộ chuyên sâu. Trong quá trình tổ chức thực hiện không chủ quan, nóng vội, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
V. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ:
Với những nỗ lực của đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hóa Quỳ trong xây dựng NTM thời gian qua, đề nghị Đoàn thẩm định công nhận xã đạt chuẩn NTM tỉnh thẩm định, trình UBND tỉnh Thanh Hoá công nhận xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017./.
Nơi nhận: KT. TRƯỞNG BAN
- Đoàn thẩm định tỉnh; PHÓ TRƯỞNG BAN
- BCĐ huyện;
- Thành viên BCĐ xã;
- Lưu: VPUB.
Q. Chủ tịch UBND xã
Lê Phúc Hải
- Hóa Quỳ: Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án Đường Hóa Quỳ đi Cát vân
- Công đoàn xã Hóa Quỳ vận động xây dựng được lò xử lý rác thải, góp phần xây dựng nông thôn mới.
- Xã Hóa Quỳ huy động sức dân làm đường giao thông nông thôn
- Hóa Quỳ xây dựng các tuyến đường hoa, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững
- báo cáo nông thôn moi
- HÓA QUỲ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MÓI
- XÃ HÓA QUỲ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
- Nông thôn đổi mới, nông dân đổi đời
- Xã Bãi Trành sau một năm đạt chuẩn Nông thôn mới
- Xuân Quỳ nỗ lực quyết tâm hoàn thành các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới
Công khai kết quả giải quyết TTHC
ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH
02373.742.289